Thách thức trở thành “thủ phủ tôm” thế giới

Biến đổi khí hậu đang có những tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp trên cả nước, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng bài toán khó ấy đã tìm được một phần lời giải tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra hôm qua (6.2) với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Đó là quyết tâm biến ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Mục tiêu Việt Nam sẽ là “thủ phủ tôm” của thế giới như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Giải bài toán biến đổi khí hậu

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, nền nông nghiệp Việt Nam đối diện 3 thách thức là sản xuất hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

“Chúng ta phải lựa chọn đối tượng, mặt hàng sản xuất mà Việt Nam có lợi thế. Đối tượng đó phải thích ứng được biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tiễn đã chứng minh con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỉ USD, 700.000ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, đặc biệt vùng ĐBSCL rất phù hợp để nuôi tôm. Trong khi đó, dự kiến xâm nhập mặn và nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, từ đó chúng ta có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm.

Chỉ tính riêng năm 2016, tổng diện tích thả nuôi tôm là gần 700.000ha, trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là gần 600.400ha, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là hơn 94.000ha; tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 657.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú gần 264.000 tấn, tôm thẻ chân trắng hơn 393.000 tấn. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỉ USD, tăng 6,7% so với năm 2015, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 62%, tôm sú chiếm gần 30%, tôm biển khác chiếm 8,3%.

Rút ngắn thời gian, đạt chỉ tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD năm 2025

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về tiềm năng của nuôi tôm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ngành tôm được khẳng định cả về mặt quản lý và khoa học có thể phát triển thành ngành mũi nhọn của đất nước. Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỉ USD. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước.

Về tầm nhìn đối với ngành tôm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam, trước hết là ĐBSCL là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Định hướng cho ngành tôm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng tự phát. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Quy hoạch tôm để phát triển chứ không phải để kìm hãm phát triển.

Khẳng định “nuôi tôm chính là nuôi nước”, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước cần mạnh dạn áp dụng, đưa tiến bộ KHCN vào xử lý nguồn nước cấp, nước nuôi và nước thải.

Thủ tướng cho rằng, mục tiêu mà Bộ NNPTNT đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỉ USD vào năm 2030 là quá thấp. “Hôm qua, làm việc với Minh Phú (tập đoàn thủy sản) thì riêng Minh Phú đã quyết tâm đến 2021 xuất khẩu 2 tỉ USD. Vậy còn 8 tỉ USD nữa với 28 tỉnh có biển và nhiều doanh nghiệp lớn, tại sao không đạt 10 tỉ USD sớm hơn… Tôi đặt vấn đề với các đồng chí đến năm 2025 phải đạt 10 tỉ USD” – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu Minh Phú đạt 2 tỉ USD vào năm 2021 thì toàn tỉnh Cà Mau có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ USD. Còn lại 6 tỉ USD, các tỉnh, thành ven biển có thể chung sức đạt được, để biến giấc mơ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD/năm của ngành tôm Việt Nam thành hiện thực vào năm 2025, chứ không phải năm 2030 như kế hoạch.

Đồng tình với quan điểm rút ngắn thời gian chỉ tiêu trên, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) – cho rằng, khả năng đến năm 2025 tập đoàn sẽ đạt đến con số kim ngạch xuất khẩu 2 tỉ USD (hiện nay tập đoàn này đạt kim ngạch xuất khẩu 535 triệu USD). Cơ sở để tập đoàn đạt đến con số trên, theo ông Quang là sẽ thay đổi tư duy trong ngành nuôi tôm, xây dựng thương hiệu, công nghệ. Trong đó chú trọng việc thành lập các DN xã hội ở các hình thức nuôi; áp dụng công nghệ theo chuẩn 4.0… Tổng Giám đốc Cty TNHH Thông Thuận – ông Trương Hữu Thông – cho rằng cần có quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao trên ao bạt phù hợp cho nuôi tôm trên bãi cát, bởi hiện nay tiềm năng còn rất lớn. Chính phủ, Bộ NNPTNT cần xác định tôm thẻ chân trắng là chủ lực để đầu tư đồng bộ.

Trở thành “thủ phủ tôm” của thế giới

Ông Đặng Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc – đem đến hội nghị một ý tưởng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đó là mong muốn Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới. Ông Tuấn lý giải: “Hiện nay Việt Nam có đủ cơ sở và khả năng để làm chủ công nghệ nuôi, sản xuất giống, và là nước xuất khẩu hàng đầu về tôm trên thế giới. Chính vì vậy cần có bước đột phá để phát triển ngành tôm thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới”. Sản phẩm tôm hiện nay đang là mặt hàng được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc khủng hoảng về giá.

Đối với các tỉnh trọng điểm nuôi tôm của Việt Nam, mọi công tác dường như cũng sẵn sàng cho ngành tôm Việt phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vẫn đạt gần 1 tỉ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho trên 300.000 LĐ. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung thông tin, Bạc Liêu đang gấp rút triển khai dự án khu nuôi tôm công nghệ cao với trên 300ha. Tỉnh này cũng quy hoạch vùng tôm sinh học, tôm công nghệ cao gắn với thị trường.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam, trước hết là ĐBSCL, là thủ phủ tôm trên thế giới. Sắp tới Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cần nghiên cứu để có thương hiệu toàn cầu về tôm; đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như: Sản xuất con giống, thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi, chế biến tôm.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành nghiên cứu sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc, khó khăn để cùng tháo gỡ nhằm đưa con tôm Việt trở thành động lực trong xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam.

0938880224