Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi nuôi tôm lớn nhất cả nước (trên 278.000ha), sản lượng đạt từ 150.000 – 170.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 1 – 1,3 tỉ USD, đến trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ… Con tôm Cà Mau đang đứng trước vận hội mới theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH), nuôi tôm sinh thái, thân thiện với môi trường.
Hướng tới công nghệ cao
Thời gian qua, ngành tôm Cà Mau đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khó quản lý, năng suất tôm nuôi còn thấp…
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Cà Mau đang tập trung xây dựng và phát triển các vùng nuôi tôm chuyên canh quy mô lớn theo hình thức tập trung, quy mô trang trại, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến tiên tiến, tạo ra các sản phẩm tôm chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được tỉnh Cà Mau thực hiện có hiệu quả, như: Nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm có hố siphon, nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn, ươm tôm trong ao lót bạt… Cà Mau cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghệ cao như Tập đoàn Việt – Úc; Cty CP thủy sản N.G. Việt Nam… Cùng với đó là vận động người dân góp đất nuôi tôm cùng doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hình thành các khu vực nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Cùng với cả vùng ĐBSCL, Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng và thiệt hại bởi tác động của BĐKH. Liên tục nhiều năm qua, đặc biệt là vào mùa khô, hạn hán – xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống người dân Cà Mau: Gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; bờ sông, bờ biển bị xói lở nặng nề; hệ thống rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp; nguồn nước ngầm bị suy giảm…
Để hạn chế tác động tiêu cực và từng bước thích ứng với BĐKH, Cà Mau đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với BĐKH, trên cơ sở chiến lược và chương trình hành động ứng phó với BĐKH của toàn vùng ĐBSCL và cả nước. Nhiều chương trình lớn đã được triển khai, như: Hệ thống công trình thủy lợi vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp phù hợp tình hình sản xuất hiện nay và định hướng về lâu dài của các quy hoạch hệ thống thủy lợi của vùng Bán đảo Cà Mau và vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp; công trình tích trữ nước ngọt, hệ thống dẫn nước ngọt từ hệ thống sông Hậu Giang về Cà Mau…
Ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng rõ và nặng nề, nhất là những vùng đặc thù bán đảo Cà Mau. Ngành nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau cũng trong điều kiện đó, không thể né tránh thiên nhiên, mà phải thích ứng với thực tế. Bước đầu cho thấy con tôm Cà Mau có thể là câu trả lời cho sự chung sống với BĐKH.
Nuôi tôm sinh thái trong rừng đước
Ở Cà Mau có một doanh nghiệp đã trở nên nổi tiếng cả nước và trên thế giới về ngành hàng tôm, đó là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Nổi tiếng không chỉ bởi đây là doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam và thế giới về xuất khẩu tôm, mà còn bởi doanh nghiệp đã đi đầu trong nuôi tôm sinh thái trong rừng đước. Nuôi tôm trong rừng đước theo hướng vừa bảo vệ, phát triển rừng, vừa cho ra sản phẩm tôm sạch, thân thiện với môi trường.
Cà Mau đang có khoảng 100.000ha rừng (chủ yếu là rừng đước), nếu phát triển thuận lợi, diện tích rừng đước kết hợp nuôi tôm có thể nâng lên 200.000ha. Với phương thức nuôi tôm sử dụng thức ăn sinh thái hữu cơ, sản lượng tôm nuôi trong rừng đước có thể đạt 1,5 tấn – 2,5 tấn/ha/năm. Đó là cơ hội để nông nghiệp tỉnh Cà Mau “sống chung” với BĐKH và để con tôm Cà Mau ngày càng “bơi” đi xa hơn, mạnh hơn, ngoạn mục hơn!