Ngày 28.8, Diễn đàn Tôm Việt với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thành công vùng ĐBSCL” diễn ra tại Bạc Liêu. Tại diễn đàn, trên 500 đại biểu là người nuôi tôm cùng đại diện các doanh nghiệp và sở NNPTNT đến từ 8 địa phương vùng ĐBSCL đã trao đổi những kinh nghiệm nuôi tôm hiệu quả…
Con tôm chưa bao giờ… dễ ăn
Ngành tôm Việt Nam đã phát triển trên 20 năm qua, đã khẳng định là mặt hàng chủ lực của nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Con tôm đem đến cho nhiều hộ nuôi cơ ngơi, tài sản cũng như cuộc sống ổn định, nhưng cũng không ít người tán gia bại sản. Chính vì vậy việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thành công chưa bao giờ là vấn đề cũ.
Bà Phan Thị Thu Oanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu – cho rằng, sẻ chia của các nhà khoa học, những doanh nghiệp, hộ nuôi thành công tại diễn đàn này rất thiết thực cho ngành tôm vùng ĐBSCL phát triển; nhất là các mô hình nuôi tôm an toàn, sạch, bảo đảm môi trường, nâng cao chuỗi giá trị cho ngành tôm.
Theo Tổng cục Thủy sản, con tôm đã được chứng nhận sản phẩm quốc gia. Bộ NNPTNT, Chính phủ rất quan tâm đến ngành nuôi tôm. Tôm là 1 trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm 45% giá trị toàn ngành thủy sản, tạo việc làm và thu nhập cho trên 700.000 hộ gia đình. Tăng trưởng bình quân của ngành tôm trên 6,8%/năm.
Có mặt từ rất sớm để tham gia diễn đàn, ông Nguyễn Minh Phước – ngụ huyện Đông Hải, Bạc Liêu – cho biết: “Tôi đến diễn đàn này ngoài việc học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm còn xem có những công nghệ mới, thuốc thú y thủy sản phù hợp để về áp dụng”. Theo ông Phước, con tôm chưa bao giờ dễ nuôi dù rằng vật nuôi này được xác định là siêu lợi nhuận.
Đa dạng mô hình nuôi
ại diễn đàn, các doanh nghiệp, hộ nuôi đã chia sẻ nhiều mô hình nuôi đạt hiệu quả. Hầu hết các mô hình này đã được áp dụng tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của vùng ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre…). Đó là các mô hình nuôi thành công của Cty Trúc Anh: Lúa – tôm; nuôi công nghiệp, siêu thâm canh. Đặc biệt, quy trình nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ Trúc Anh đã được Tổng cục Thủy sản công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Cty này cũng đã chuyển giao công nghệ đến 328 điểm cho các đơn vị tại vùng ĐBSCL.
Dự án nuôi tôm sinh thái tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên và Kiến Vàng (Cà Mau) do Tập đoàn Minh Phú triển khai cũng được chia sẻ tại diễn đàn. Ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Cty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú – cho biết: “Dự án trên cơ sở tập hợp những hộ nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng theo quy trình nuôi của Tập đoàn Minh Phú. Sản phẩm được bao tiêu và cam kết mua với giá cao hơn vì đây là quy trình nuôi tôm sạch”.
Những công nghệ mới trong nuôi tôm như quy trình trải bạt, nuôi tôm bằng vi sinh… cũng được giới thiệu tại diễn đàn lần này…